Chi phí lãi vay hợp lý/ được trừ khi quyết toán thuế TNDN năm 2020
Vừa qua, Blog nhận được một số thắc mắc về điều kiện để chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN cho mùa quyết toán thuế 2020 đang tới gần. “Blog Kế toán Nhật Hướng – Tự học kế toán thuế online” xin được phần nào giải đáp các thắc mắc tại bài viết về chi phí lãi vay này. Trước hết cần làm rõ:
1. Chi phí lãi vay là gì?
Chi phí lãi vay (thường gọi, hay chính xác phải là “chi phí đi vay”) được quy định tại Chuẩn mực kế toán số 16 – Chi phí đi vay (VAS 16) như sau:
Theo đó, chi phí đi vay bao gồm: lãi tiền vay ngắn hạn, dài hạn (kể cả lãi tiền vay trên các khoản thấu chi); các chi phí phát sinh liên quan đến quá trình làm thủ tục vay (chẳng hạn như phí công chứng hồ sơ vay vốn); các khoản chiết khấu phụ trội khi phát hành trái phiếu; các chi phí tài chính của thuê tài chính…
Cũng theo VAS 16, các chi phí đi vay hợp lý, hợp lệ phải ghi nhận vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ khi có phát sinh (trừ trường hợp chi phí đi vay được vốn hoá theo quy định tại điều 07 – VAS 16).
Bắt đầu từ đoạn này, Blog Kế toán Nhật Hướng xin được tạm gọi “Chi phí đi vay” là “chi phí lãi vay” cho phù hợp với lối hành văn thông thường mà bạn đọc hay sử dụng.
2. Khi nào chi phí lãi vay được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ?
Chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, qua tính hợp lý và hợp lệ của khoản vay.
2.1. Tính hợp lý
a. Chi phí lãi vay được chấp nhận là chi phí hợp lý khi có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Tức là khoản tiền vay liên quan đến chi phí lãi vay này phải phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để dễ chứng minh tính hợp lý của khoản vay với cơ quan thuế, doanh nghiệp nên ghi rõ mục đích đi vay trong hợp đồng vay vốn và phương án kinh doanh của doanh nghiệp khi tiến hành vay vốn.
b. Tồn quỹ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng thấp hơn khoản vay
Khi doanh nghiệp đi vay nhưng sổ quỹ tiền mặt, sổ chi tiết tài khoản tiền mặt (TK 111) và sổ chi tiết tài khoản ngân hàng (TK 112) còn nhiều. Khả năng rất cao là sẽ bị cơ quan thuế loại chi phí lãi vay khỏi chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Điều này để đảm bảo việc vay vốn đúng mục đích, liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, một khoản vay của giám đốc dùng vào việc cá nhân nhưng được đưa vào chi phí tài chính của doanh nghiệp trong kỳ. Việc làm trên nhằm mục đích tăng thêm chi phí để giảm bớt thuế TNDN. Rõ ràng, cơ quan thuế sẽ không chấp nhận khoản vay này. Và đương nhiên, chi phí lãi vay sẽ bị xuất toán, không được trừ khi tính thuế TNDN.
Rơi vào trường hợp này, doanh nghiệp cần giải trình về việc số dư quỹ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng với cơ quan thuế. Như đã đề cập bên trên, mục đích đi vay và phương án kinh doanh của doanh nghiệp cần cụ thể.
Vậy, như thế nào là số dư tiền mặt/tiền gửi ngân hàng còn nhiều? Chủ yếu là do tính xét đoán của cán bộ thuế. Kế toán cũng có thể lưu ý là số dư tiền không nên tương đương hoặc cao hơn khoản đi vay.
2.2. Tính hợp lệ
a. Lãi suất đi vay không quá 13,5%/năm
Khoản 2.17, Điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC Quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế TNDN, rằng:
Từ năm 2010 đến nay (2017), lãi suất cơ bản do NHNN Việt Nam quy định là 9%/năm (theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010).
Như vậy, Lãi suất đi vay không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản. Tức là không quá 13,5%/năm kể từ cuối năm 2010 đến nay.
Một thông tin đáng lưu ý cho năm 2017 về lãi suất đi vay:
Sở dĩ, thông tư 78/2014/TT-BTC quy định chi phí lãi vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản vì điều này được quy định trong Khoản 1, điều 476, Bộ luật Dân sự 2005: lãi suất đi vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản.
Từ 01/01/2017, Bộ luật Dân sự 2015 thay thế cho bộ luật năm 2005. Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại khoản 1, điều 468 rằng:
Mức lãi suất vay tiền do các bên thoả thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm.
Nhiều khả năng là Thông tư 78/2014/TT-BTC sẽ được sửa đổi một lần nữa cho phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Và chi phí lãi vay hợp lý sẽ được nới thêm 6,5% (lên 20%). Hy vọng thế!
Ghi chú: Thông tư 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi nhiều lần nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến Khoản 2.17, Điều 6 như trên.
b. Góp đủ vốn điều lệ theo tiến độ
Khoản 2.18, Điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC) quy định, chi phí lãi vay sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN nếu:
Chẳng hạn, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 10 tỷ, hiện tại đã góp được 7 tỷ, còn thiếu 3 tỷ. Doanh nghiệp đi vay 2 tỷ thì khoản chi phí đi vay tương ứng với 2 tỷ này sẽ không là chi phí hợp lệ.
Lưu ý: Thời hạn góp vốn tối đa của doanh nghiệp là 90 ngày sau khi thành lập.
c. Thanh toán khoản vay và lãi vay bằng chuyển khoản nếu vay của doanh nghiệp
Theo Khoản 1, Điều 4, Thông tư 09/2015/TT-BTC Hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp quy định:
Vậy để khoản chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN thì khi thực hiện giao dịch, các doanh nghiệp đi vay lẫn cho vay không được dùng hình thức thanh toán bằng tiền mặt, mà phải chuyển khoản.
Nếu doanh nghiệp vay của cá nhân thì không có quy định phải chuyển khoản (được giao dịch bằng tiền mặt). Nhưng phải khấu trừ 5% thuế TNCN của cá nhân cho vay. Vì đây là khoản thu nhập từ đầu tư vốn, chịu thuế TNCN là 5% (Khoản 3, Điều 2 và Điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
Doanh nghiệp vay vốn của một doanhg nhiệp khác (không phải tổ chức tín dụng), thì khi trả lãi vay phải yêu cầu bên cho vay xuất hoá đơn GTGT (theo Điểm a Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC), dòng thuế suất không ghi và gạch chéo (hoạt động cho vay riêng lẻ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo điểm b, Khoản 8, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC). Mời bạn đọc xem thêm Công văn 4044/CT-TTHT (download):
d. Hồ sơ vay vốn đầy đủ
Để chi phí lãi vay hợp lệ cần:
– Hợp đồng vay vốn;
– Chứng từ thanh toán (chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt nếu doanh nghiệp vay của doanh nghiệp khác không phải tổ chức tín dụng);
– Hoá đơn GTGT (nếu doanh nghiệp vay của doanh nghiệp khác không phải tổ chức tín dụng);
– Chứng minh nhân dân (nếu vay của cá nhân);
– Chứng từ khấu trừ thuế TNCN 5% (nếu vay của cá nhân).
e. Chi phí lãi vay không vượt quá 30% EBITDA
Cụ thể, bạn đọc vui lòng tham khảo bảo viết này:
Nghị định 68/2020/NĐ-CP, chính thức hồi tố tăng trần chi phí lãi vay được trừ 30% EBITDA.
Tóm lại, để chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN thì phải đảm bảo được tính hợp lý và hợp lệ của nó.
Huỳnh Trung Kiên
[…] Tham khảo: Điều kiện để chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN 2017 […]
[…] Xem thêm: Điều kiện để chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN – Quyết toán thuế… […]
[…] Xem bài viết: Điều kiện để chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN – Quyết toán thuế… […]