Sau quyết toán thuế TNDN 2016 – 2017: những việc kế toán cần làm
Thời điểm sau khi nộp quyết toán thuế 2016, cũng là thời gian mà các bạn kế toán thực tế có thể thả lỏng. Lúc này, não bộ của các bạn đồng nghiệp không còn căng như dây đàn nữa. Với tâm lý thoải mái, hãy xem lại báo cáo tài chính và quyết toán thuế, biết đâu bạn sẽ… phát hiện bất ngờ :))
Kinh nghiệm hạch toán điều chỉnh số liệu sau quyết toán thuế sẽ được đề cập trong bài viết khác.
Tại bài viết này, Blog Kế Toán Nhật Hướng – Tự học kế toán thuế online xin chia sẻ các công việc kế toán cần làm sau khi quyết toán thuế TNDN, TNCN 2016 – 2017.
Công việc gồm 6 bước như sau:
Mời bạn đọc Blog Kế Toán Nhật Hướng xem chi tiết bên dưới.
Bước 1: Đảm bảo hồ sơ quyết toán đã nộp đầy đủ
Đôi khi, vì lý do nào đó như nghẽn mạng, java script lỗi nên bạn không nộp được tờ khai thuế mà không hay biết. Hoặc ký điện tử thành công nhưng không nộp được tờ khai thuế…
Để dự phòng cho các tình huống này, bạn cần kiểm tra lại và đảm bảo hồ sơ quyết toán thuế đã nộp đầy đủ. Thực hiện như sau:
– Truy cập trang https://nhantokhai.gdt.gov.vn, nơi mà bạn đã nộp quyết toán thuế TNDN, TNCN 2016;
– Đăng nhập vào tài khoản;
– Mở Tra cứu/ Tra cứu tờ khai;
– Kiểm tra.
Sau khi yên tâm rằng tờ khai của bạn đã nộp thành công, bạn cần đảm bảo các số liệu của bạn không sai lệch ở bước 2 bên dưới.
Bước 2: Kiểm tra lại số dư
Bước này vốn là bạn đã thực hiện trước khi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN, TNCN 2016.
Tuy nhiên, để cho chắc chắn, bạn cần kiểm tra lại thêm một lần nữa. Nếu phát hiện sai sót, có thể nhanh chóng sữa chữa và nộp lại báo cáo tài chính cũng như quyết toán thuế.
Đặc biệt, bạn cần kiểm tra số dư của tài khoản thuế TNDN, thuế GTGT trên báo cáo tài chính đã khớp với quyết toán hay chưa.
Lưu ý chỉ tiêu B4 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu 03/TNDN.
Bước 3: Sắp xếp lại chứng từ, sổ sách
Quyết toán thuế xong, các chứng từ, sổ sách cũng như báo cáo tài chính trên bàn làm việc của bạn có thể đang ở tình trạng khá hỗn độn.
Bạn cần sắp xếp lại chúng theo trình tự hợp lý để tiện tra cứu sau này.
Chứng từ gốc
Các chứng từ gốc là những chứng từ đã được dùng để làm căn cứ: lập chứng từ kế toán, ghi sổ kế toán và sau đó là lập báo cáo tài chính.
– Trước tiên, bạn cần kiểm tra lại toàn bộ chứng từ gốc. Các hoá đơn GTGT phải đầy đủ khi đối chiếu với bảng kê bán ra, mua vào.
Nói thêm là tờ khai thuế hàng tháng/quý bạn không cần nộp, nhưng vẫn phải lập vì khi thanh tra thuế xuống kiểm tra quyết toán của bạn thì họ sẽ yêu cầu giải trình.
– Sắp xếp các chứng từ gốc theo loại chứng từ và theo trình tự thời gian.
– Photo các chứng từ gốc kẹp vào chứng từ kế toán dùng để ghi sổ báo cáo tài chính. Nên để chứng từ kế toán bên trên, chứng từ gốc bên dưới và kẹp chung lại.
Sổ sách
– In ra đầy đủ các sổ sách trên phần mềm kế toán;
– In bìa hồ sơ cho các sổ sách kế toán theo từng loại sổ tổng hợp, sổ chi tiết;
– Trình ký và đóng dấu cẩn thận;
– Sắp xếp chúng theo từng tháng/quý trong năm.
Bước 4: Giải quyết lại tính hợp lý và hợp lệ của nghiệp vụ kinh tế phát sinh
Sau khi sắp xếp lại các chứng từ sổ sách, có thể bạn sẽ phát hiện một vài nghiệp vụ thiếu chứng từ. Chúng chưa đủ căn cứ để giải trình tính hợp lý và hợp lệ để được trừ khi tính thuế TNDN.
Chẳng hạn như hồ sơ lao động tiền lương, hồ sơ tài sản cố định chưa đầy đủ. Vì thế, bạn cần xử lý chúng.
Bước 5: Chuẩn bị trước các hồ sơ giải trình quyết toán thuế
Sau khi đã đảm bảo ở 4 bước bên trên, bạn cần lập các hồ sơ để giải trình khi các cơ quan thuế đến kiểm tra hồ sơ quyết toán. Hồ sơ gồm một số cơ bản như sau:
– Đối chiếu tình trạng nộp thuế đến thời điểm kiểm tra;
– Chi tiết doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ;
– Chi tiết mua vật tư: nguyên vật liêu, CCDC, hàng hoá,…;
– Hồ sơ kiểm tra đối chiếu tiền lương và bảo hiểm xã hội;
– Hồ sơ khấu hao TSCĐ hữu hình;
– Hồ sơ chi phí phân bổ trong kỳ;
– Hồ sơ chi phí theo khoản mục phí của tài khoản 641/642.
Blog Kế Toán Nhật Hướng xin cung cấp cho bạn đọc các file excel để tiện sử dụng. Mời bạn đọc download tại đây.
Bước 6: Ghi chú lại các nghiệp vụ phức tạp.
Trong năm, có thể phát sinh một số nghiệp vụ kinh tế phức tạp. Đôi khi kế toán chỉ nhìn chứng từ và sổ sách sẽ không nhớ bản chất của các nghiệp vụ này.
Vì thế các bạn đồng nghiệp kế toán không nên quá tự tin về trí nhớ của mình, mà cần ghi chú lại đầy đủ trên một quyển sổ “ruột”.
Huỳnh Trung Kiên
Blog Kế Toán Nhật Hướng
click here to visit Keurig Faqnutrition for free
6 bước kế toán cần làm sau khi nộp quyết toán thuế 2016 – 2017 | Blog Kế toán Nhật Hướng