Đây là bài thứ hai trong series: kinh nghiệm bảo vệ khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán.
Tổ chức dàn ý bài thuyết trình
Dù đề tài khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán của các bạn là gì thì khi thuyết trình đều phải có ba phần chính: Giới thiệu, thân bài và kết luận. Cách tốt nhất để lập dàn ý theo 3 phần trên cho bài thuyết trình là: trình bày chúng trên PowerPoint theo cấu trúc của một bài báo khoa học ngành kế toán.
Ở đây, các bạn sinh viên có thể tham khảo bài báo nghiên cứu của Nhật Nguyễn (tác giả Blog Kế Toán Nhật Hướng) và thầy Trương Đông Lộc để tìm hiểu về kết cấu của một bài báo khoa học ngành kế toán/tài chính như thế nào.
Mời bạn download nghiên cứu tại đây: “Ảnh hưởng của thông tin kế toán đến giá của các cổ phiếu: Bằng chứng thực nghiệm từ Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh“. Nghiên cứu được đăng trên Tạp Chí Khoa Học Đại Học Mở Tp.Hcm – Số 4 (49) 2016.
Các bạn nhìn vào kết cấu của bài báo trên và đối chiếu với nội dung bên dưới nhé.
– Mở đầu phần báo cáo khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán, các bạn sinh viên có thể nêu tóm tắt về đề tài. Sau đó là giới thiệu sơ lược về bối cảnh và tính mới của đề tài. Các nói/trình bày về phần này như thế nào thì mời bạn đọc phần bên dưới của bài viết.
– Phần lược khảo tài liệu các bạn có thể bỏ qua, không trình bày trên slide vì không có đủ thời gian. Thêm vào đó, bạn cũng đã trình bày bối cảnh nghiên cứu ở bên trên, nó tương tự với phần lược khảo tài liệu.
– Kế tiếp, các bạn trình bày tiếp về mục tiêu nghiên cứu/câu hỏi nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Thông thường, do tính chất của một buổi báo cáo tốt nghiệp kế toán, nội dung này sẽ được Hội đồng phản biện đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân do Hội đồng muốn biết năng lực nghiên cứu của sinh viên như thế nào. Kết quả nghiên cứu là quan trọng nhưng xếp hàng thứ yếu so với khả năng nghiên cứu của các bạn (phương pháp nghiên cứu). Ít nhất đối với tôi và Nhật là vậy khi trong vai trò là thành viên của Hội đồng phản biện khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán.
– Phần tiếp theo cần trình bày là kết quả nghiên cứu. Các bạn nên ưu tiên trình bày bằng hình ảnh, bảng số liệu và biểu đồ khi thiết kế slide PowerPoint. Một hình ảnh, bảng biểu thường dễ gây ấn tượng hơn những dòng chữ.
Các bạn có thể sử dụng Infogram – công cụ tạo biểu đồ & infographic online để thiết kế biểu đồ đẹp hơn và chuyên nghiệp hơn excel, word. Không cần dùng tài khoản trả phí, bạn thiết kế xong chụp ảnh màn hình lại là đủ, họ cho phép. Xin lỗi các bạn sinh viên tôi hướng dẫn vì đã quên nhắc các bạn về công cụ này trong quá trình hướng dẫn đề tài :p
– Sau khi thuyết trình xong phần kết quả nghiên cứu, bạn tiếp tục trình bày về phần kết luận và một số hạn chế của nghiên cứu/ đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo. Kết thúc là lời cảm ơn và mời Hội đồng phản biện đặt câu hỏi.
Đến đây, bạn đã lập xong dàn ý bài thuyết trình, phần tiếp theo tôi sẽ hướng dẫn cách nói khi đứng trước hội đồng.
Cách nói khi đứng trước hội đồng phản biện báo cáo khoá luận tốt nghiệp kế toán
Việc đầu tiên bạn cần làm sau khi lập dàn ý/ đưa nó lên slide PowerPoint là: tạo một file word, viết ra chi tiết những gì bạn sẽ nói khi lên báo cáo và học thuộc nó.
Cách mở đầu bài thuyết trình ấn tượng: Lời mở đầu/giới thiệu đề tài
Ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Lời mở đầu không hay sẽ làm người nghe sao nhãng hoặc nguy hiểm hơn là mất kiên nhẫn (bạn đang báo cáo trước Hội đồng phản biện). Mở đầu không suôn sẻ cũng làm cho bạn mất trấn tĩnh và tập trung.
Hệ quả là bạn sẽ mất tự tin nên chăm chăm nhìn vào slide đọc từ đầu tới đuôi để cho mau qua bài thuyết trình. Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp như thế, mất điểm trầm trọng.
Lưu ý: Mở đầu bài thuyết trình, tâm lý của bạn thường hồi hộp (ai cũng thế, ngay cả bản thân tôi). Lúc này nên nhìn về bên dưới, tìm kiếm một vài ánh mắt và nụ cười cổ vũ của các bạn cùng lớp để lấy tinh thần, tiếp tục bài nói.
Việc đầu tiên của bạn trong phần giới thiệu là thu hút sự tập trung và quan tâm của người nghe. Bạn có thể làm điều này bằng cách đưa ra một câu hỏi, kể một vấn đề/câu chuyện, tuyên bố đáng chú ý hay một câu trích dẫn.
Trong quá trình thu hút sự chú ý, hãy chắc chắn nêu chủ đề đề tài. Sau đó bạn có thể nói tiếp phần tóm tắt nghiên cứu và bối cảnh nghiên cứu như đã thiết kế dàn ý.
Nói nội dung chính của đề tài
Nghệ thuật chuyển tông
Chuyển tông ở đây là bạn chuyển từ phần này sang phần khác hay slide này sang slide khác. Lúc này bạn dùng từ ngữ để cho người nghe biết được rằng bạn đang chuyển sang một slide/ý khác hoặc nhấn mạnh một điểm nào đó. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn có đưa một số tình huống mà bạn có thể tham khảo:
- Thêm thông tin có cùng ý nghĩa thông tin diễn giả mới nói xong, có thể dùng những chữ sau đây: Hơn nữa, thêm nữa, thêm nữa, thêm, thêm vào, thêm vào, tương tự, đầu tiên, thứ hai, thứ ba, cuối cùng, v.v...
- Cho ví dụ: Ví dụ như, đặc biệt, hãy để tôi đưa cho bạn một ví dụ cụ thể, chúng ta hãy nhìn vào một ví dụ từ một trong những … của chúng tôi, v.v…
- Nhấn mạnh hay giải thích thêm những gì đã nói: Một lần nữa, ngắn gọn, nói cách khác, trong ngắn hạn, điều này có nghĩa, v.v…
- Nhấn mạnh kết luận như là một hệ quả của lí luận trước đó: vì thế, nên, do đó, kết quả, do đó, cho phù hợp, v.v…
- Tóm lược những điểm đã trình bày: Trong tóm tắt, để tóm tắt, để kết luận, để kết luận, trong ngắn hạn, v.v…
Một cách chuyển tông khác cũng khá hữu hiệu là tự đặt câu hỏi rồi… tự trả lời. Phương pháp này giúp duy trì sự tập trung, chú ý của người nghe.
Cách nói về biểu đồ, bảng số liệu
Các biểu đồ phổ biến mà bạn có thể dùng là biểu đồ dây, biểu đồ tròn, biểu đồ cột, biểu đồ tán xạ,…
Nhìn chung khi bạn chiếu các biểu đồ hay bảng số liệu lên slide, bạn cần giới thiệu nó trình bày dữ liệu về điều gì, các ký hiệu và đơn vị tính trên biểu đồ, bảng số liệu. Trình tự bạn có thể tham khảo như sau:
- Giới thiệu hình này là gì,
- Mô tả những vị trí cần chú ý,
- Tiếp theo mô tả nội dung là gì…
Một biểu đồ như thế bạn có thể dành ra 1 phút để trình bày.
Tốt nhất bạn có thể dùng Pointer (bút chiếu) để chỉ vào những điểm quan trọng của biểu đồ khi nói. Chú ý không quơ Pointer loạn xạ. Nếu không bạn có thể cầm trên tay một cây bút và bước lên bục giảng để chỉ vào ảnh trên màn chiếu.
Đến đây tạm được rồi nhỉ, chúng ta qua phần kết thúc bài thuyết trình.
Cách kết thúc bài thuyết trình/báo cáo khoá luận
Việc mở đầu thì cần phải hay, nhưng biết cách kết thúc là cả một nghệ thuật (Longfellow)
Trong nhiều trường hợp, diễn giả đã làm hỏng bài nói bằng một kết thúc nhàm chán. Nhớ rằng lời kết thúc là dịp cuối cùng để hướng về các ý kiến của bạn. Hơn nữa, ấn tượng sau cùng của bạn có lẽ sẽ được ghi dấu trong đầu người nghe.
Bất kể đề tài tốt nghiệp của bạn là gì, phần kết của phải thực hiện được hai chức năng chính:
- Cho Hội đồng phản biện/người nghe biết bạn sắp kết thúc bài nói.
- Củng cố sự hiểu biết của người nghe về ý chủ đạo của bạn, tức kết quả nghiên cứu của đề tài (thường là câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu).
Vậy, làm thế nào để báo hiệu kết thúc bài nói và củng cố ý chủ đạo?
Hiển nhiên qua các buổi thuyết trình tiểu luận môn học trong lớp, bạn đã thấy người nói kết thúc bài thuyết trình rất đột ngột đến nỗi bạn và giảng viên phải ngạc nhiên. Để lại cho người nghe một cảm giác bối rối và không thoả mãn.
Để tránh điều đó, bạn có thể sử dụng một số từ ngữ như:
- Để kết luận/ kết thúc…
- Một ý kiến sau cùng…
- Mục đích của tôi/em là….
- Cho phép tôi/em kết thúc bằng câu nói/trích dẫn….
Lúc này, bạn phải củng cố ý chủ đạo/tóm tắt bài nói trong phần (…)
Trên đây, tôi đã hướng dẫn các bạn cách tổ chức bài thuyết trình và cách nói sao cho hiệu quả khi đứng trước Hội đồng phản biện. Và đừng quên những nhắc nhở tôi đã đề cập trong bài trước: các sai lầm cần tránh khi báo cáo khoá luận.
Sau cùng, ở bài viết tiếp theo của series tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách thiết kế slide PowerPoint với những nguyên tắc bất thành văn cần chú ý, mời đón xem.
Kiên Huỳnh
[…] Xem lại Kỳ 2: Lập dàn ý, cách nói khi đứng trước Hội đồng phản biện […]
[…] Kỳ tới: #2 – Tổ chức bài thuyết trình, cách nói khi đứng trước Hội đồng p… […]