Đây là bài viết đầu tiên trong series kinh nghiệm bảo vệ khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán.
Chuẩn bị bài báo cáo bảo vệ khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán
Tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình thể hiện trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp, dù bạn là giáo viên, kế toán hay người môi giới chứng khoán,…
Đối với các bạn sinh viên kế toán thì mục tiêu trước mắt là phải thuyết trình về các bài tiểu luận, và cửa ải cuối cùng để rời khỏi ghế nhà trường – bảo vệ khoá luận tốt nghiệp chuyên ngành kế toán.
Không giống với các bài tiểu luận của từng môn học, thay vì cả nhóm chuẩn bị cho bài thuyết trình thì bây giờ chỉ còn một mình bạn đối mặt với hội đồng phản biện khoá luận. Một trải nghiệm có lẽ không mấy vui vẻ.
Điều này luôn dẫn đến sự lo lắng, đến nỗi tôi biết có nhiều bạn xin chuyển từ khoá luận xuống chuyên đề (không phải ra hội đồng báo cáo) để không phải… “một mình chống mafia”.
Vì thế, để hỗ trợ các bạn tôi sẽ soạn một “series” hướng dẫn kinh nghiệm bảo vệ khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán. Sau loạt bài này, hy vọng các bạn sinh viên kế toán dù chưa biến được từ “Zero đến Hero” thì cũng vượt qua kỳ báo cáo tốt nghiệp một cách suôn sẻ.
Đây là bài viết đầu tiên, tôi viết về các sai lầm khi chuẩn bị và thực hiện bài báo cáo bảo vệ khoá luận.
Sai lầm phổ biến trong trình bày báo cáo khoá luận tốt nghiệp chuyên ngành kế toán
Sai lầm #1: Slide thuyết trình quá nhiều nội dung
Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà các bạn sinh viên kế toán thường mắc phải là cố gắng đưa quá nhiều nội dung vào bài thuyết trình.
Thông thường, các bạn chỉ có 15 phút cho bài thuyết trình của mình và sau đó là ít nhất 15 phút để trả lời câu hỏi của hội đồng phản biện. Bài thuyết trình nên có khoảng 15-20 slide PowerPoint vì bạn chỉ có tối đa 1 phút cho 1 slide. Để tránh quá giờ (sẽ bị trừ điểm nặng), các bạn nên chọn một số điểm giới hạn và minh hoạ chúng một cách rõ ràng theo cấu trúc của một bài báo khoa học. Tôi sẽ nói ở bài viết sau trong “series”: Kỹ năng thiết kế PowerPoint cho khoá luận tốt nghiệp kế toán.
Sai lầm #2: Thiếu giao tiếp mắt
Trong việc nói trước công chúng thì giao tiếp mắt rất quan trọng.
Một trong những cách nhanh nhất để thiết lập mối giao hảo với người nghe là nhìn riêng từng người một cách thú vị với nụ cười nhẹ (tránh nhìn chằm chằm).
Và quan trọng là khi bạn đang run thì nên nhìn xuống bên dưới, tìm kiếm một vài ánh mắt và nụ cười cổ vũ của các bạn cùng lớp để lấy tinh thần, tiếp tục bài nói.
Nhớ nhé: cố gắng duy trì việc giao tiếp mắt, nhìn Hội đồng phản biện và khán giả khoảng 80-90% thời lượng trình bày.
Sai lầm #3: Trang phục thiếu trang trọng
Nếu bạn là Albert Einstein, bạn hẳn có thể xuất hiện và phát biểu trong một hội nghị khoa học quốc tế với chiếc áo nhăn nhúm và dép lê. Khi đó dù khán giả có bình phẩm về trang phục thì tiếng tăm của bạn vẫn không tổn hại, ngược lại còn được củng cố. Bạn sẽ là một trong số rất ít người được sống ngoài luật lệ, được mong đợi là không giống bình thường.
Nhưng rất tiếc, bạn không phải là Albert Einstein!
Trừ một số người đặc biệt hoặc lập dị, mọi diễn giả khi nói trước đám đông đều được người nghe kỳ vọng có trang phục phù hợp với hoàn cảnh thuyết trình.
Thành viên Hội đồng phản biện khoá luận ngành kế toán luôn nhìn bạn trước khi bạn nói, và hình thức bên ngoài đôi khi đóng vai trò quan trọng với ấn tượng của hội đồng đối với bạn (và có thể ảnh hưởng đến điểm số).
Hãy quên dép lê, quần jean, áo thun đi!
Sai lầm #4: Không lắng nghe/tỏ ra lắng nghe những phản biện của Hội đồng
Thật khó khăn để trả lời câu hỏi phản biện một cách hiệu quả nếu bạn không lắng nghe một cách chăm chú. Và nếu bạn đang thật sự lắng nghe mà thành viên hội đồng không cảm nhận được điều đó thì bạn cũng sẽ gặp xui xẻo.
Hãy làm cho người hỏi thấy bạn đang hoàn toàn lắng nghe họ, nhìn thẳng vào mắt họ thay vì nhìn dáo dác xung quanh phòng, sàn hoặc trần nhà. Bạn cũng có thể gật đầu nhẹ khi nghe thành viên hội đồng nêu câu hỏi, nhận xét.
Đặc biệt, khi giảng viên phản biện và các giảng viên khác trong hội đồng nêu nhận xét, góp ý chỉnh sửa thì bạn không chỉ phải nghe mà còn phải ghi lại. Để thuận tiện, bạn có thể chuẩn bị “bìa trình ký” để dễ ghi chú khi đang đứng (nếu Hội đồng không bảo bạn ngồi khi nghe, hãy đứng).
Nếu gặp phải một câu hỏi/nhận xét mà bạn cảm thấy dài và mơ hồ, hãy cố gắng hỏi lại cho rõ nghĩa với thái độ cầu thị.
Lưu ý: Không khăng khăng cãi lại hội đồng, hãy giữ thái độ đúng mực.
Sai lầm #5: Không hiểu rõ về đề tài của mình
Hội đồng phản biện luôn muốn rằng quyển khoá luận kế toán nằm trên bàn của họ là do chính sinh viên tự thực hiện. Vì thế các bạn phải nắm tường tận về đề tài của mình.
Câu hỏi mà tôi muốn hỏi các bạn sinh viên khi đọc đến đây: Sau khi in ra và nộp cho Khoa Kế toán, bạn đã đọc lại từ đầu đến cuối quyển khoá luận của mình bao nhiêu lần?
Vì tự làm nên bạn khá hiểu rõ về đề tài nhưng có một số nội dung bị lãng quên. Hãy đọc lại nhiều lần để nắm thật chắc những quan điểm bạn đã trình bày trong đó.
Trong quá trình trả lời câu hỏi phản biện, bạn trả lời không tốt như kỳ vọng nhưng hội đồng nhận thấy bạn nắm chắc về đề tài thì vẫn không sao, bạn vẫn vượt qua thử thách. Tất nhiên điểm số sẽ khiêm tốn hơn một chút.
Nhưng ngược lại, Hội đồng cho rằng đề tài không phải do bạn tự làm thì hãy chuẩn bị tinh thần…
Sai lầm #6: Nghi vấn về tính trung thực của dữ liệu
Khi bạn trình bày đề tài kế toán định lượng, thì phương pháp nghiên cứu và quá trình thu thập dữ liệu của bạn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hội đồng. Hãy chuẩn bị để trả lời các câu hỏi phản biện xoáy sâu về cách chọn mẫu, thu thập dữ liệu và phương pháp nghiên cứu.
Đối với đề tài khoá luận tốt nghiệp đại học ngành kế toán mảng định lượng, phương pháp nghiên cứu thường được quan tâm hơn cả kết quả nghiên cứu. Hãy dành sự quan tâm đúng mực đến phần này để chuẩn bị bài báo cáo.
Sai lầm #7: Mắc những lỗi cơ bản trong trình bày bằng PowerPoint
Sai lầm #1 mà tôi từng nhắc bên trên cũng là một trong những lỗi cơ bản khi thuyết trình bằng công cụ PowerPoint của Microsoft, các bạn “nhét” quá nhiều chữ vào trong một slide.
Và còn khá nhiều quy tắc khác trong trình bày bằng PowerPoint mà các bạn cần chú ý. Tôi sẽ viết chi tiết hơn trong bài khác của series này, cụ thể ở bài: Kinh nghiệm thiết kế PowerPoint và trình bày số liệu và biểu đồ. Mời bạn đón xem ở kỳ sau.
Trên đây, tôi đã trình bày về các sai lầm phổ biến khi báo cáo bảo vệ khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán. Nếu các bạn có thắc mắc/bổ sung, có thể bình luận bên dưới bài viết, hẹn gặp lại ở bài sau của series.
Kiên Huỳnh
[…] […]