Về việc tự học kế toán thực tế
Một trong những kinh nghiệm về kế toán thực tế của tôi lại bắt đầu từ một công việc khác, thẩm định giá.
Lúc đấy, tôi là sinh viên đại học kế toán mới ra trường.
Thậm chí tôi chưa nhận bằng tốt nghiệp tạm thời. Tôi đã nhắc đến chưa nhỉ? Um, bạn có thể xem lại quá trình tự học kế toán của tôi từ bài viết về nghề kế toán mệt mỏi.
Trở lại vấn đề, như đã chia sẻ trước đó, vì tôi đã từng nghĩ là ngành kế toán không hợp với mình nên đã xin một công việc khác. May mắn là công ty mà tôi đã nộp đơn lúc đấy không quá quan tâm đến bằng cấp. Điều mà họ cần ở ứng viên tuyển dụng là khả năng thích nghi, chăm chỉ và đặc biệt là sự trung thực (vì sao thì tôi sẽ giải thích ở cuối bài).
Tôi được nhận vào làm và đi công tác suốt một tháng trời cho một dự án ở Hậu Giang ngay ngày đầu tiên đi làm.
Đi công tác… đọc đến đây thì các bạn, những đồng nghiệp kế toán của tôi nghĩ đến điều gì?
…
…
…
Đúng rồi đấy, các hoá đơn và chứng từ để chi phí công tác phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN.
Thời điểm đó, tôi được một bậc đàn anh trong công ty mà đến giờ tôi vẫn rất kính trọng, anh Toàn, đã hướng dẫn tôi rất nhiều bao gồm cả kiến thức kế toán (chuyên ngành của anh là xây dựng).
Anh giải thích về cách mọi thứ làm việc như thế nào.
Anh hướng dẫn tôi là cần phải chuẩn bị những chứng từ gì khi đi công tác. Phải sắp xếp chứng từ đi công tác theo thứ tự như thế nào, để các chị kế toán chấp nhận thanh toán trong vui vẻ :))
Một người cố vấn tuyệt vời! Anh ăn nói lưu loát, thông minh và vui tính. Tôi được chia sẻ đại loại rằng:
Hầu hết kiến thức mà anh học và sử dụng cho công việc hiện tại đều là nghề dạy nghề.
Thực ra, anh không phản đối việc học ở trường, trái lại còn đề cao chúng. Nhưng lúc này, anh muốn nói đến một khía cạnh khác của việc học.
Một khoảng thời gian dài sau đó, tôi mới bắt đầu cảm nhận rõ ràng hơn và hiểu ý anh Toàn là gì:
Hay nói cách khác, đó là khả năng tự học, tự nghiên cứu.
Việc học một cách thụ động trong lớp chỉ là học. Quan trọng là học cách làm thế nào để nghiên cứu và đặt ra những câu hỏi đối với những kiến thức mà thầy cô đã truyền đạt trên giảng đường.
Như với nghề kế toán, các vấn đề thầy cô đang nói được trình bày ở chuẩn mực, chế độ kế toán hay một văn bản pháp lý nào khác của Bộ Tài Chính?
Để đi làm kế toán thực tế, bạn phải biết những kiến thức này, quy định này có còn hiệu lực hay không để vận dụng, đúng không?
Đó mới là những kiến thức và kỹ năng có giá trị.
Và điều này đặc biệt quan trọng với nghề kế toán thuế, khi mà cứ một tuần lại có những văn bản về thuế nhằm hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung các văn bản trước đó. Kiến thức của bạn sẽ nhanh chóng lạc hậu nếu không cập nhật.
Những sự thay đổi rất lớn trong ngành kế toán
Nghề nghiệp kế toán là một chuỗi dài không ngừng nghỉ của việc tự học, nghiên cứu văn bản hết cái này đến cái khác, trên nền tảng nguyên lý kế toán đã được học ở trường.
Chưa hết đâu, khi mà quá trình hoà hợp kế toán quốc tế được đẩy nhanh ở Việt Nam thì việc nghiên cứu các chuẩn mực như IAS/IFRS là cần thiết. Vì Chuẩn mực kế toán Việt Nam – VAS sẽ dần tiệm cận với chúng.
Theo định hướng của Bộ Tài Chính, đến năm 2020, Chuẩn mực kế toán Việt Nam sẽ được ban hành lại trên cơ sở cập nhật lại những thay đổi của IFRS.
Nếu đọc đến đây, có bạn nào thắc mắc IAS/IFRS là cái gì?
Một tương lai không xa, các công cụ tài chính phái sinh sẽ được áp dụng rộng rãi ở thị trường vốn của Việt Nam. Các văn bản dự thảo của Bộ Tài Chính cho thấy điều đó.
Và, chuỗi ngày dài đi học, tập huấn, hội thảo về việc hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh này sẽ diễn ra. Còn nữa, rất quan trọng này:
Đến lúc này, bạn sẽ phải thật vững vàng nguyên lý kế toán để có thể vận dụng khi hạch toán. Điều đáng buồn là các sinh viên kế toán không quá chú trọng đến môn học nguyên lý kế toán tại đại học.
Đây là môn quan trọng nhất và có giá trị nhất trong các môn học chuyên ngành kế toán.
Vì những kiến thức của các môn học kế toán tài chính, thuế,… sẽ nhanh chóng bị lạc hậu khi các văn bản pháp lý thay đổi. Nhưng nguyên lý kế toán thì hầu như là không, hoặc nói thay đổi rất ít. Giá trị sử dụng của nó lại rất cao.
Đó là lý do tự học trên nền tảng nguyên lý, là một kỹ năng cực kỳ quan trọng cho các kế toán viên.
Các đồng nghiệp của tôi, bạn đã sẵn sàng chưa?
Sẵn sàng cho một quá trình tự học kế toán suốt đời. Học từ nguyên lý, hiểu từ gốc rễ.
Hãy nhớ, công việc của kế toán không chỉ có nhập liệu. Nếu bạn không thích nghi, sẽ bị đào thải.
Tái bút:
À, tôi có quên gì không nhỉ? Sự trung thực khi hành nghề thẩm định, và kế toán viên có cần không? Thôi, hẹn các bạn ở bài viết sau nhé.
Hãy subscribe “Blog kế Toán Nhật Hướng – Tự học kế toán thuế online” để nhận các bài viết mới nhất.
Huỳnh Trung Kiên
[…] nhanh chóng để ra quyết định. Kế toán viên và các nhà quản lý tài chính cần rèn luyện kỹ năng này thường […]
Hello bác ! Xem ra em bị lạc hậu thật rồi, các thuật ngữ mới lạ quá em ko hiểu gì cả :p
Ngành kế toán đau đầu lắm bác ạ 🙁
A hihi, căng phết đấy ! Thấy nhập sổ sách, thống kê hàng hóa mà nhầm lẫn hoặc sai gì đó là rắc rối phết.
À, góp ý thêm với bác là bác có thể thiết lập đối với người đã có comment phê duyệt thì các comment sau ko cần trải qua bước phê duyệt nữa :p
Đã điều chỉnh trong phần “Before a comment appears” rồi mà nó vẫn thế bác ạ 🙁
Mình muốn học kế toán để quản lý