Thước đo tài chính Tỷ lệ Hoàn vốn Đầu tư (ROI – Return On Investment) thường được các nhà phân tích tài chính sử dụng để đánh giá các dự án/bộ phận khác nhau. Qua đó, lựa chọn theo đuổi dự án mang lại hiệu quả cao nhất.
Việc sử dụng ROI để đo lường khả năng hoàn vốn đầu tư cũng sẽ giúp ban quản trị nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện dự toán về vốn đầu tư của tổ chức. Bởi vì các cổ đông (chủ doanh nghiệp) cũng sẽ dựa vào ROI để đánh giá thành quả quản lý của ban quản trị, thông qua việc ROI thực tế có đạt được mục tiêu kế hoạch hay không. Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư ROI đã được các nhà phân tích tin dùng nhiều năm qua. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc sử dụng ROI có thật sự hiệu quả hay không, nó có đáp ứng được kỳ vọng của các nhà phân tích?
Mọi người đều biết, một thước đo tài chính có đánh giá được chính xác hiệu quả sử dụng vốn đầu tư hay không là rất quan trọng. Nếu không có một thước đo chính xác (một cách hợp lý), sẽ không khuyến khích được các giám đốc bộ phận tạo ra dòng tiền trong tương lai của bộ phận mình xử lý. Các giám đốc bộ phận này có thể là giám đốc phân xưởng, chi nhánh, vùng… của một công ty.
Quay trở lại quá khứ, vào năm 1903, khi công ty Dupont Powder thực hiện việc kết hợp các công ty hoạt động kinh doanh độc lập, đã phải đứng trước một thử thách là: làm sao có thể phân bổ hợp lý nguồn lực cho các loại hình kinh doanh hoàn toàn khác nhau của công ty? Bộ phận nào xứng đáng được nhận nhiều nguồn lực hơn vì nguồn lực của công ty là hữu hạn?
Công ty Dupont đã xây dựng thước đo để đánh giá khả năng hoàn vốn đầu tư, và dựa vào đó để đánh giá, lựa chọn ra bộ phận hiệu quả nhất để tập trung nguồn lực vào bộ phận đó:
ROI = LN hoạt động / Tài sản đầu tư.
LN hoạt động: EBIT (Lợi nhuận trước thuế và lãi vay).
Donaldson Brown, giám đốc tài chính của Cty Dupont, đã mở rộng công thức tính ROI thành hai tỷ số:
ROI = P x T = (LN hoạt động / Doanh thu) x (Doanh thu / Tài sản đầu tư)
Qua thời gian, người ta nhận ra rằng việc sử dụng chỉ tiêu lợi nhuận để đánh giá khả năng tạo ra giá trị kinh tế trong dài hạn là hoàn toàn không thích hợp. Và, việc sử dụng ROI để đánh giá thành quả của các bộ phận trong ngắn hạn cũng có những mặt hạn chế.
Sau đây chúng ta sẽ phân tích những khuyết điểm đã đuợc bộc lộ của ROI.
Khuyết điểm 1: Những biểu hiện tăng ROI trong ngắn hạn ở các bộ phận cũng có thể có khả năng ảnh hưởng xấu đến mục tiêu chung và làm giảm giá trị kinh tế về lâu dài của DN.
Giả sử, có tài liệu của bộ phận X như sau:
Quý | ROI | Tỷ suất LN trên DT (P) | Số vòng quay VĐT (T) |
1 | 12.6% | 17.1% | 0.736 |
2 | 13.4% | 20.2% | 0.664 |
3 | 15.4% | 22.7% | 0.679 |
Qua bảng số liệu trên, ta thấy tình hình kết quả hoạt động khá tốt, tỷ lệ ROI tăng theo từng quý. Bộ phận X sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư?
Khi phân tích các yếu tố P và T trong ROI, ta thấy có sự tăng mạnh của P và sự sụt giảm của T.
Do giám đốc bộ phận vì lợi ích của bộ phận mình đã cho SX sản phẩm khá nhiều trong quý 2 và quý 3 vượt cả khả năng tiêu thụ của bộ phận X.
=> Làm cho LN tăng ảo và làm tăng hàng tồn kho.
=> Tăng ảo ROI và ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế về lâu dài của DN.
Khuyết điểm 2: ROI ở các bộ phận có dấu hiệu giảm xuống trong ngắn hạn, chưa chắc đã ảnh hưởng xấu đến mục tiêu chung của tổ chức mà còn có thể tạo ra giá trị kinh tế lâu dài cho toàn công ty.
Giả sử, bộ phận quản lý A có vốn đầu tư 90.000 $ và EBIT là 20.000 $. ROI của bộ phận A là 22,2% (20.000/90.000).
Bộ phận A có chi phí sử dụng vốn là 15%.
Một cơ hội đầu tư mới xuất hiện đòi hỏi lượng vốn đầu tư 15.000 $, EBIT hàng năm từ dự án đầu tư này là 3.000 $. Sau khi thực hiện dự án đầu tư mới, ROI của bộ phận A là 21,9%.
=> Bộ phận A có nên thực hiện cơ hội đầu tư mới?
Khi thực hiện cơ hội đầu tư mới này, ROI của bộ phận A giảm từ 22,2% xuống còn 21,9%.
Mặc dù ROI của bộ phận A bị giảm, tuy nhiên bộ phận A vẫn nên thực hiện cơ hội đầu tư mới này. Bởi vì khả năng hoàn vốn từ cơ hội đầu tư mới là 20% (3.000/ 15.000) > CP sử dụng vốn là 15%.
Việc thực hiện cơ hội đầu tư mới này mang lại hiệu quả cho công ty, nhưng giám đốc bộ phận A có thể sẽ không làm (do ROI giảm, cổ đông có thể sẽ hiểu nhầm nếu không suy xét kỹ như đã phân tích ở trên). Điều này làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung của tổ chức (do LN Cty sẽ tăng thêm 750 $ (3000 $ – 2250 $)), và ảnh hưởng đến việc tạo ra giá trị kinh tế trong tương lai.
Khuyết điểm 3: Việc bán tài sản cũng có thể làm sai lệch ROI trong ngắn hạn.
Giả sử bộ phận A có một tài sản đang hoạt động có giá trị là 20.000 $, khả năng thu hồi vốn là 18% (tương ứng là 3.600 $). Nhà quản lý bộ phận A có thể làm tăng ROI bằng cách bán đi tài sản này. ROI của bộ phận A sau khi bán tài sản này đã tăng từ 22,2% lên 23,4%. Bộ phận A có chi phí sử dụng vốn là 15%.
Quyết định bán đi tài sản nói trên của bộ phận A có hợp lý không?
Mặc dù ROI của bộ phận A đã tăng từ 22,2% lên 23,4%, nhưng đây là một quyết định không đúng, vì khả năng tạo ra thu nhập từ tài sản này (18%) cao hơn chi phí sử dụng vốn (15%).
=> Ảnh hưởng không tốt đến mục tiêu chung của DN (trong ngắn hạn và dài hạn).
Khuyết điểm 4: ROI bị hạn chế khi sử dụng để so sánh thành quả hoạt động của 2 bộ phận trong ngắn hạn.
Giả sử bộ phận B ( trong cùng tập đoàn với bộ phận A) có vốn đầu tư là 50.000 $ và EBIT là 12.500 $
=> ROI của bộ phận B là 25% > ROI của bộ phận A là 22,2%.
=> Bộ phận A hay B kinh doanh hiệu quả hơn?
Bộ phận A có VĐT nhiều hơn bộ phận B là 40.000$ và EBIT của bộ phận A cao hơn bộ phận B là 7.500 $ (20.000 $ – 12.500 $) => ROI tăng thêm của bộ phận A so với bộ phận B là 18.75% (7.500/ 40.000) > CP sử dụng vốn của bộ phận A là 15%
=> Bộ phận A vẫn kinh doanh có hiệu quả hơn so với bộ phận B sau khi đã trừ đi CP sử dụng vốn.
Tóm lại, như đã phân tích bên trên, ROI không thực sự là một thước đo chính xác trong việc đánh giá thành quả quản lý giữa các bộ phận trong cùng một tập đoàn. Nó dễ bị bóp méo vì lợi ích riêng của giám đốc bộ phận. Nguyên nhân cốt lõi cho 4 hạn chế bên trên là ROI đã không quan tâm đến “chi phí sử dụng vốn”.
Từ những năm 1950, đã xuất hiện giải pháp vượt qua những hạn chế của ROI, đó là sử dụng thước đo tài chính RI (lợi nhuận còn lại) – nguồn gốc của thước đo tài chính EVA.
EVA được công ty Stern Stewart xây dựng và đăng ký bản quyền (1994). EVA được tính dựa trên khái niệm lợi nhuận kinh tế, không phải lợi nhuận kế toán.
Để tìm hiểu chi tiết hơn, mời bạn đọc download tài liệu về thước đo tài chính EVA bên dưới:
Có bất kỳ thắc mắc nào, bạn đọc vui lòng phản hồi trong khung bình luận bên dưới.
Nếu bạn thích bài viết này, hãy vui lòng subscribe blog (đăng ký nhận tin) của tôi để thường xuyên cập nhật những bài viết hay nhất, mới nhất qua email nhé. Cảm ơn rất nhiều!
Blog Kế Toán Nhật Hướng tổng hợp
[…] Buổi học tới (15/10), lớp sẽ học về ROI, vào đây để in tài liệu […]