Một bài viết đáng suy ngẫm của GS. Nguyễn Văn Tuấn, Blog Kế Toán Nhật Hướng xin được trích đăng. Mời bạn đọc theo dõi.
Muốn thành công, không thể là người trung bình
Trong bài phỏng vấn tôi có nói một ý mà kí giả muốn làm thành một “điểm nhấn”, rằng người châu Á mình muốn thành công trong thế giới khoa bảng phương Tây, thì không thể nào làm việc trung bình được. “Người châu Á” ở đây là kể cả Nhật, Hàn, Tàu, chứ chẳng riêng gì người Việt mình. Đó là kinh nghiệm cá nhân, và tôi hay nói với các em nghiên cứu sinh như thế.
Mấy mươi năm nay, qua rất nhiều tương tác với nhiều hiệp hội chuyên môn và trường viện đại học, tôi đi đến một nhận xét chung là người phương Tây thường không chú tâm đến ý kiến của người Á châu. Có thể câu đó bằng tiếng Việt nói không hết ý, tôi nói bằng tiếng Anh cho rõ hơn: “they don’t take us seriously.” Dấu hiệu của hiện tượng này là trong họp hội, khi người Á châu phát biểu ý kiến, người Tây lịch sự lắng nghe, nhưng không bàn đến!
Ngay cả trong nghiên cứu khoa học cũng có xu hướng đó. Trong nghiên cứu khoa học, nhiều khi cùng chủ đề, nhưng họ người Tây có xu hướng trích dẫn bài báo của người Tây hơn là của người châu Á. Ngay cả trong hợp tác khoa học, bài báo với “correspondence author” mà người Tây đứng tên thì được trích dẫn nhiều hơn là do người Việt đứng tên. Hiện tượng này tôi thấy gần như là một qui luật. Dĩ nhiên, đó chỉ là qui luật chung, chứ trong thực tế thì lúc nào cũng có ngoại lệ.
Tôi suy nghĩ nhiều về điều này, và tạm thời có vài giả thuyết để trả lời cho câu hỏi tại sao họ không take us seriously.
Giả thuyết thứ nhất là vấn đề ngôn ngữ. Đa số người Á châu chúng ta nếu không được sinh ra và lớn lên ở phương Tây thì chúng ta nói vẫn còn âm hưởng Á châu (hay gọi chung là còn accent). Đã có nghiên cứu tâm lí học (đăng trên Journal of Experimental Social Psychology) cho thấy rằng mức độ tin tưởng của người địa phương dành cho người nói tiếng Anh có accent thường thấp hơn so với người không có accent.
Giả thuyết thứ hai là do cách diễn giải và tranh luận của người Á châu. Không biết các bạn thì sao, nhưng tôi đã chứng kiến trong nhiều cuộc họp quan trọng, người Á châu thường ít có ý kiến, vì họ nghĩ rằng chẳng có gì khác để nói khi mọi người khác đã nói. Một số người khi nói thì cách diễn giải thiếu tính logic, khúc chiết. Có khi vấn đề trở nên tranh cãi, người Á châu thường “bảo thủ”, không có cái phong cách “give and take” của người phương Tây. Có người thậm chí còn tỏ ra mất bình tĩnh, nói nhanh, làm cho người đối diện nghĩ rằng họ không đáng để bàn luận. Có lần tôi chứng kiến một bà giáo sư gốc Tàu, bà nói tiếng Anh đã rất khó nghe và phát âm sai, khi bị một ông giáo sư Anh chất vấn, bà nổi nóng nói như là “ăn thua đủ” làm cho người khác trong phòng không chú ý đến bà nữa. Tất cả những vấn đề đó làm cho người Á châu ở một thế bất lợi.
Giả thuyết thứ ba là nhiều khi người Á châu thiếu cái mà tiếng Anh gọi là “insight”. Người phương Tây khi họ bàn về một vấn đề gì, họ thường tập trung vào vấn đề đó, có khi rất chi tiết. Họ lật vấn đề qua, lật vấn đề lại, nhìn theo cách nhìn này, lăng kính kia, và nếu chưa quen với “văn hóa” của họ, người Á châu sẽ cảm thấy mất thì giờ và hỏi “sao bọn Tây này chúng mất thì giờ thế”. Không phải. Họ muốn đi vào insight của vấn đề và hiểu thấu đáo. Còn người Á châu thì có xu hướng đang bàn chuyện A, nhảy tót sang chuyện B, hay không bàn theo kiểu insightful. Tôi thấy đây là một yếu tố rất quan trọng làm cho ý kiến của người Á châu không được đánh giá cao.
Giả thuyết thứ tư là người Á châu thiếu kĩ năng networking. Trong các “bộ lạc” khoa học, nhiều khi vấn đề được quyết định trên bàn tiệc và li rượu! Chú ý những buổi dạ tiệc trong các hội nghị quốc tế ở phương Tây, họ thường co cụm đứng quanh nhau và xem có vẻ như là tán gẫu, nhưng thật ra đó là những dịp để họ có thông tin bên lề, như thông tin về grant, funding, tập san, vận động, v.v. và những thông tin đó giúp họ hình thành trong các phòng họp. Đó chính là lí do tại sao khi vào phòng họp, họ có vẻ nói những chữ không phải là tiếng lóng, mà là những chữ họ đã biết và bàn khi cầm li rượu đỏ. Người Á châu do kém về kĩ năng tiếng Anh và truyền thông, nên khó có thể len lỏi vào bộ lạc của họ, và khi không ở trong bộ lạc thì dù anh có là giáo sư thì vẫn là kẻ bên lề, và ý kiến của kẻ bên lề không bao giờ được đánh giá cao.
Tôi nghĩ đó chính là những lí do làm cho người Á châu chúng ta, nói chung, không có cái visibility như người Tây. Mà, trong khoa học, chịu khó làm việc là một chuyện, nhưng thiếu cái visibility là một thiệt thòi nghiêm trọng. Đó chính là lí do tại sao người Á châu chúng ta hiện diện rất đông ở các nấc thang khoa bảng cấp hạ tầng (như PhD, postdoc), nhưng càng lên cao thì càng trống vắng. Hiếm thấy người Á châu làm khoa trưởng ở các đại học hàng đầu (top 100), càng cực hiếm người làm hiệu trưởng đại học.
Do đó, khi cạnh tranh với đồng nghiệp Tây, lúc nào chúng ta (dân Á châu) phải chuẩn bị hơn họ “hai cái đầu”. Đó là tâm niệm. Ví dụ như khi tiêu chuẩn đề bạt một chức vụ nào đó được định là k, thì chúng ta cần phải đạt 2k. Nếu đạt k thì chưa đủ, vì họ chỉ xem mình là … may mắn. (Dĩ nhiên, cũng có trường hợp một số trường dành ưu tiên cho người thiểu số và họ sẵn sàng xem xét ở tiêu chuẩn thấp hơn, nhưng đạt được cái loại vị trí với ưu tiên như thế thì chẳng có gì đáng nói.) Khi đã đạt 2k, thì họ không thể xem thường mình, còn mình thì đủ để nói chuyện với họ ở thế thượng phong. Điều này cũng có nghĩa là muốn thành công trong thế giới khoa bảng phương Tây thì không thể nào chỉ trung bình như họ được, mà phải hơn họ.
GS. Nguyễn Văn Tuấn