Bài viết của anh Long Phan về kinh nghiệm phỏng vấn vị trí thực tập kiểm toán.
Hàng năm, đến tháng 9 lại có những “cuộc đua”. Cuộc đua của các bạn trẻ để được có một vị trí thực tập tại các hãng kiểm toán, cuộc đua của các công ty kiểm toán để có ứng viên tốt.
Bây giờ các hãng kiểm toán, nhất là các hãng lớn có chiến lược tuyển dụng cho cả năm. Thường các hãng tổ chức các chương trình rất hay để lấy những ứng viên tốt. Deloitte năm nay tổ chức chương trình có tên là Deloitte Passport chẳng hạn. Đúng là nếu làm cho các hãng kiểm toán lớn thì bạn sẽ có visa dán trên passport để đến những nơi tạo ước mơ cho bản thân.
Long PhanBa ngày vừa qua vừa e-mail cho khách hàng vừa ngồi đưa ra các câu hỏi vặn vẹo phỏng vấn các bạn ứng tuyển vào vị trí thực tập kiểm toán của công ty. Kết quả thì đã có rồi, chọn được danh sách ngắn, và từ danh sách ngắn sẽ loại một số ứng viên để số còn lại sẽ được gửi offer letter chính thức. Giờ là lúc ghi lại một số diễn biến sai lầm trong phỏng vấn để biết đâu có ích cho các thế hệ kiểm toán viên tương lai sau này.
Càng được hỏi nhiều, càng được hỏi khó thì lại càng nhiều cơ hội
Về cơ bản, ứng viên nào vừa hỏi vài câu đã biết không đạt thì sẽ cắt cuộc phỏng vấn càng ngắn càng tốt để dành thời gian cho các ứng viên khác.
Một số ứng viên thấy mình bị hỏi nhiều quá đâm ra “ghét” người phỏng vấn.
Tại sao anh này hỏi nhiều thế? làm mình mất hết tự tin. Tại sao anh này lại hỏi khó thế, lại còn ra ý chê bai làm mình cảm thấy bị “dìm”?
Xin thưa với các bạn trẻ, chỉ khi nhà tuyển dụng có mong muốn tuyển bạn và đánh giá bạn có khả năng là ứng viên tốt, thì họ mới dành nhiều thời gian cho bạn, và như thế bạn sẽ là người có nhiều cơ hội.
Vậy mà một số bạn đã không hiểu và thậm chí có phản ứng không tốt khi bị hỏi quá nhiều, hỏi dồn dập quay cho ra bã thì thôi.
Và như thế bạn tự đánh mất cơ hội của mình.
Chuẩn bị chưa tốt cho vị trí mình ứng tuyển
Trong ba ngày qua, 3/4 số ứng viên gần như không hiểu gì về công việc mình sẽ làm nếu được nhận vào vị trí ứng tuyển, trợ lý kiểm toán tập sự (Audit internee). Với 5000 đến 7000 sinh viên kế toán, kiểm toán ra trường mỗi năm trên địa bàn Hà Nội, số lượng ứng viên có cơ hội làm việc tại các công ty kiểm toán tốt không nhiều.
Chỉ những ứng viên chuẩn bị tốt nhất cho công việc, am hiểu thực sự vai trò và nhiệm vụ của một thực tập sinh kiểm toán thì mới có cơ hội tốt hơn những ứng viên khác trong con mắt nhà tuyển dụng.
Thực tế cho thấy, phần nhiều các bạn ứng tuyển nhưng chỉ hiểu công việc của thực tập sinh là trợ giúp, là sai gì làm nấy mà không biết rằng ngoài kia các bạn đồng trang lứa đã biết và hiểu rõ nếu được giao nhiệm vụ tham gia vào một nhóm kiểm toán thì sẽ phải làm những gì.
Hai năm trước, các bạn thực tập ở công ty tôi đã làm rất tốt việc này và thậm chí còn vượt hơn cả một số nhân viên chính thức. Hai năm tuyển từ các học viên PA, và các bạn đã giúp cho công ty rất nhiều và ngược lại các bạn cũng đã nhận được rất nhiều thứ từ công việc.
Ai bảo đi học luyện thi
Xin hỏi một số partners trong các công ty kiểm toán khác, khi phỏng vấn đã có anh chị nào gặp tình huống như sau chưa?
Hai ứng viên có hai CV giống nhau về cách trình bày, thậm chí giống nhau cả một đoạn và sai lỗi chính tả giống nhau. Và buồn hơn nữa hai bạn đều trả lời y hệt nhau khi nhận cùng một câu hỏi. Mặc dù kiến thức của hai bạn cũng khá tốt, nhưng kết quả là “trượt”.
Khi được hỏi “Khi em được tham gia vào một nhóm kiểm toán với tư cách là trợ lý kiểm toán thì những công việc cụ thể mà em cần chuẩn bị trước khi đi kiểm toán là gì?”.
Cả hai bạn đều được hỏi câu này, và các anh chị trong phòng đều ngớ người khi nhận được câu trả lời giống hệt nhau là “Em sẽ chuẩn bị tốt kiến thức đã học, chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng và đặc biệt là chuẩn bị sức khoẻ để có thể làm tốt nhất công việc được giao”.
Nghe thì thấy rất bay bổng và đầy tự tin, nhưng người ta hỏi bạn “những công việc cụ thể” chứ không phải những ngôn từ sáo rỗng. Câu hỏi dạng này để xem bạn có thực sự tìm hiểu về công việc hay không.
Cậu manager bên cạnh nhắc mình, anh ơi hai bạn này đều từ một “lò luyện thi” mà ra nên trả lời như nhau là đúng rồi. Giờ mình mới ngó kỹ CV, có khi thế thật.
Oái, giờ lại có cả luyện thi vào công ty kiểm toán như luyện thi đại học nhể?
Nhưng mà công ty kiểm toán cần tuyển người làm tốt chứ đâu cần người thi giỏi, vậy có khi kiến thức của hai em này không thực chất mà tự luyện tủ mà ra.
Kết luận:
- Chuẩn bị tốt: Kiến thức + Kỹ năng = Đỗ
- Chuẩn bị tốt: Kiến thức + Kỹ năng + Luyện thi = Trượt
Quả là đáng tiếc khi bạn không còn là chính mình và tự đánh mất cơ hội. Các Professionals không bao giờ muốn những người có mánh khoé, thi giỏi mà làm không giỏi, trở thành đồng nghiệp của mình cả.
Nói tiếng Anh với tiếng Việt
Hỏi một ứng viên đến từ trường được coi là giỏi tiếng Anh “Công ty mua một lô nguyên vật liệu về nhập kho thì hạch toán kế toán như thế nào?”
Trả lời: Em có thể trả lời bằng tiếng Anh được không, vì em học kế toán chương trình ACCA nên chỉ biết kế toán tiếng Anh. Thưa anh công ty sẽ ghi Debit Inventory / Credit Cash/Payable.
Một câu trả lời hoàn hảo nhưng rất không may là tớ cũng biết sơ sơ tí kế toán tiếng Anh nên mới hỏi tiếp “Thế công ty không ghi Debit Inventory mà ghi Debit Purchase thì có được không?” (Mình cũng phải khoe mình biết tí kế toán tiếng Anh chớ).
Trả lời: Nhưng ở trường em có học môn nguyên lý kế toán nên được học phải ghi là Debit Inventory.
Hỏi tiếp: Thế em có biết tại sao người ta có thể ghi Debit Inventory hoặc Debit Purchase không?
Trả lời: Em không biết. (Câu này bạn nào biết trả lời giúp tôi vào comment phía dưới nhé)
Ứng viên bị đánh giá là thiếu kiến thức căn bản và thiếu khả năng giao tiếp phù hợp.
Bạn thử tưởng tượng khi nói chuyện với khách hàng mà bạn nói rằng “Anh chị phải ghi Debit Inventory” thì người ta sẽ khó chịu như thế nào mặc dù trình độ Tiếng Anh của họ chắc cũng không đến nỗi kém.
Nói kiểu Tiếng Việt xen với Tiếng Anh là tối kỵ. Bạn cần luyện cho mình nói tiếng nào ra tiếng ấy, chứ không có cái kiểu speak Vietnamese xen lẫn tiếng Anh vào để tạo impression với employer được.
Khoe bằng cấp thay vì thể hiện kiến thức thực sự
Thời đại của quảng cáo, em nào cũng nói là mình đã học xong ép nọ ép kia của chương trình ây ây gì đó và mục tiêu nghề nghiệp trong những năm tới là phải có ây để cố gắng ghi điểm trước nhà tuyển dụng như trong quảng cáo nói thế. Khố quá Partner ngồi phỏng vấn còn chả có cái ây nào cả để đưa vào CV.
Hỏi: Trong các môn ép mà em đã học em cảm thấy tự tin về kiến thức nhất ở môn nào? và cụ thể ở nội dung nào?
Trả lời: Fixed Assets
Hỏi: Fixed Assets là cái gì?
Trả lời: Tài sản cố định
À ra thế! anh sẽ hỏi em về tài sản cố định được không “Em có thể cho anh biết khi mua một chiếc ô tô về thì xác định nguyên giá của ô tô đó là bao nhiêu? bao gồm những chi phí gì?”
Trả lời: “Nguyên giá của ô tô được xác định bằng giá mua cộng với input tax”
Hỏi tiếp: “Input tax là cái gì?”
Trả lời: “Là thuế đầu vào, em cũng chưa rõ thuế đầu vào là thuế gì”
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, cho dù mục tiêu của phỏng vấn không phải quá chú trọng vào kiến thức vì đã có bài test, nhưng có lẽ tư duy trọng bằng cấp hơn kiến thức thật đã làm hại các bạn. Công ty cần tuyển người làm được việc chứ không tuyển người nhiều bằng cấp.
“Vườn trẻ” hay “Nơi làm việc”?
22 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp đại học, trưởng thành, chuẩn bị đi làm, bạn cần thế hiện mình có đủ năng lực và phù hợp với vị trí được tuyển.
Một số ứng viên vẫn còn trong đầu tư duy “xã hội phải phục vụ mình” khi yêu cầu công ty phải đáp ứng cho họ thay vì họ thể hiện sẽ cống hiến cho công ty. Đây là điều cơ bản mà nhà tuyển dụng kỳ vọng từ ứng viên.
Do vậy đừng thế hiện mình còn là “con ngoan, trò giỏi” mong muốn nằm trong vòng tay êm ấm của bố mẹ, mà hãy thể hiện sự trưởng thành và khả năng độc lập của mình trước nhà tuyển dụng. Công ty là nơi làm việc chứ không phải vườn trẻ, bạn sẽ “sống sót” và phát triển tại nơi mình chọn thay vì chờ mong sự chăm bẵm.
Khó nghe nhưng trên đây là đánh giá còn nóng hổi của một người vừa làm nhiệm vụ tuyển dụng. Biết đâu, đây có thể mang lại điều gì đó có ích cho các ứng viên khác trong các đợt tuyển dụng trong tương lai của bất kỳ công ty nào.
P/S: Lần sau mình sẽ hỏi những câu khác hơn nhiều những câu trên, nên đừng kỳ vọng hay chuẩn bị gì cho những câu hỏi này cả nhé!
Cảm ơn các bạn đã đọc! và nhớ trả lời giúp câu hỏi phía trên mà ứng viên chưa trả lời được.
Long Phan
Em đoán là tài khoản Purchase dùng trong kỳ, đến khi cuối kỳ, doanh nghiệp sẽ chuyển hết phần còn dư vào Inventory. Hơi kỳ cơ mà em học kế toán Mỹ thì em chỉ thấy họ chỉ hạch toán vào đúng Inventory thôi chứ không có tài khoản Purchase. Thế có đúng không anh :))?