• Skip to main content
  • Skip to secondary menu
  • Bỏ qua primary sidebar
  • Bỏ qua footer

Blog Kế toán Nhật Hướng

Tự học kế toán thuế online, hạch toán, khai và nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN

  • Blog
  • Kế toán
  • Thuế
    • Thuế GTGT
    • Thuế TNDN
    • Thuế TNCN
    • Lệ Phí Môn Bài
  • Tài chính
  • Download
  • Tôi học Kế toán
Bạn đang ở:Trang chủ / Tôi Học Kế Toán / [Khoá luận Kế toán] #2: Lập dàn ý, cách nói khi đứng trước Hội đồng phản biện

[Khoá luận Kế toán] #2: Lập dàn ý, cách nói khi đứng trước Hội đồng phản biện

25/05/2017 By Kiên Huỳnh 2 Bình luận

Đây là bài thứ hai trong series: kinh nghiệm bảo vệ khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán.

Xem lại Kỳ 1: [khoá luận Kế toán] #1: Các sai lầm thường gặp khi bảo vệ khoá luận tốt nghiệp

Tóm tắt nội dung

  • Tổ chức dàn ý bài thuyết trình
  • Cách nói khi đứng trước hội đồng phản biện báo cáo khoá luận tốt nghiệp kế toán
    • Cách mở đầu bài thuyết trình ấn tượng: Lời mở đầu/giới thiệu đề tài
    • Nói nội dung chính của đề tài
    • Cách kết thúc bài thuyết trình/báo cáo khoá luận
    • Share this:
    • Related

Tổ chức dàn ý bài thuyết trình

Dù đề tài khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán của các bạn là gì thì khi thuyết trình đều phải có ba phần chính: Giới thiệu, thân bài và kết luận. Cách tốt nhất để lập dàn ý theo 3 phần trên cho bài thuyết trình là: trình bày chúng trên PowerPoint theo cấu trúc của một bài báo khoa học ngành kế toán.

Ở đây, các bạn sinh viên có thể tham khảo bài báo nghiên cứu của Nhật Nguyễn (tác giả Blog Kế Toán Nhật Hướng) và thầy Trương Đông Lộc để tìm hiểu về kết cấu của một bài báo khoa học ngành kế toán/tài chính như thế nào.

Mời bạn download nghiên cứu tại đây: “Ảnh hưởng của thông tin kế toán đến giá của các cổ phiếu: Bằng chứng thực nghiệm từ Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh“. Nghiên cứu được đăng trên Tạp Chí Khoa Học Đại Học Mở Tp.Hcm – Số 4 (49) 2016.

Các bạn nhìn vào kết cấu của bài báo trên và đối chiếu với nội dung bên dưới nhé.

– Mở đầu phần báo cáo khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán, các bạn sinh viên có thể nêu tóm tắt về đề tài. Sau đó là giới thiệu sơ lược về bối cảnh và tính mới của đề tài. Các nói/trình bày về phần này như thế nào thì mời bạn đọc phần bên dưới của bài viết.

– Phần lược khảo tài liệu các bạn có thể bỏ qua, không trình bày trên slide vì không có đủ thời gian. Thêm vào đó, bạn cũng đã trình bày bối cảnh nghiên cứu ở bên trên, nó tương tự với phần lược khảo tài liệu.

– Kế tiếp, các bạn trình bày tiếp về mục tiêu nghiên cứu/câu hỏi nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Thông thường, do tính chất của một buổi báo cáo tốt nghiệp kế toán, nội dung này sẽ được Hội đồng phản biện đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân do Hội đồng muốn biết năng lực nghiên cứu của sinh viên như thế nào. Kết quả nghiên cứu là quan trọng nhưng xếp hàng thứ yếu so với khả năng nghiên cứu của các bạn (phương pháp nghiên cứu). Ít nhất đối với tôi và Nhật là vậy khi trong vai trò là thành viên của Hội đồng phản biện khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán.

– Phần tiếp theo cần trình bày là kết quả nghiên cứu. Các bạn nên ưu tiên trình bày bằng hình ảnh, bảng số liệu và biểu đồ khi thiết kế slide PowerPoint. Một hình ảnh, bảng biểu thường dễ gây ấn tượng hơn những dòng chữ.

Các bạn có thể sử dụng Infogram – công cụ tạo biểu đồ & infographic online để thiết kế biểu đồ đẹp hơn và chuyên nghiệp hơn excel, word. Không cần dùng tài khoản trả phí, bạn thiết kế xong chụp ảnh màn hình lại là đủ, họ cho phép. Xin lỗi các bạn sinh viên tôi hướng dẫn vì đã quên nhắc các bạn về công cụ này trong quá trình hướng dẫn đề tài :p

Lưu ý khi trình bày bằng biểu đồ:

Nhìn vào biểu đồ bên dưới các bạn sẽ thấy nó “lãng nhách” vì mật độ dữ liệu quá ít. chỉ có 2 đối tượng nam-nữ. Nó là một biểu đồ vô dụng.

[Khoá luận Kế toán] #2: Lập dàn ý, cách nói khi đứng trước Hội đồng phản biện
Biểu đồ này khá vô dụng vì dữ liệu nghèo nàn

Khi nhiều số liệu như thế này thì hãy dùng biểu đồ.

[Khoá luận Kế toán] #2: Lập dàn ý, cách nói khi đứng trước Hội đồng phản biện
Một biểu đồ tròn khá trực quan với lượng dữ liệu chấp nhận được

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (người đã có trên 250 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế uy tín), các bạn cũng cần tránh dùng biểu đồ rác (chart Junk – thuật ngữ do Edwward Tufte đề xuất), chỉ những biểu đồ thể hiện dữ liệu một cách loè loẹt. Những kiểu biểu đồ này thích hợp với giới báo chí, văn nghệ sĩ nhưng với văn phong khoa học thì không. Nguyên nhân là nó quá lạm dụng hình ảnh làm người xem thiếu tập trung vào thông điệp chính của dữ liệu mà người báo cáo muốn trình bày.

[Khoá luận Kế toán] #2: Lập dàn ý, cách nói khi đứng trước Hội đồng phản biện
“Biểu đồ rác”, trình bày về biến động giá kim cương từ 1978-1982

Đây là biểu đồ rác mà Edward Tufte dùng làm minh hoạ. Đường màu đỏ là dữ liệu cần trình bày, thế nhưng thực tế là người xem chỉ chú ý vào cô gái trong tư thế gợi cảm. Biểu đồ này sáng tạo nhưng không phù hợp.

Nếu dùng bảng số liệu, có quá nhiều thông tin trên đó thì có thể tô màu một vài ô số liệu mà bạn muốn Hội đồng phản biện chú ý. Nên ưu tiên dùng biểu đồ hơn là bảng số liệu vì nó trực quan, khán giả dễ hình dung hơn điều mà bạn đang nói.

– Sau khi thuyết trình xong phần kết quả nghiên cứu, bạn tiếp tục trình bày về phần kết luận và một số hạn chế của nghiên cứu/ đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo. Kết thúc là lời cảm ơn và mời Hội đồng phản biện đặt câu hỏi.

Đến đây, bạn đã lập xong dàn ý bài thuyết trình, phần tiếp theo tôi sẽ hướng dẫn cách nói khi đứng trước hội đồng.

Cách nói khi đứng trước hội đồng phản biện báo cáo khoá luận tốt nghiệp kế toán

Việc đầu tiên bạn cần làm sau khi lập dàn ý/ đưa nó lên slide PowerPoint là: tạo một file word, viết ra chi tiết những gì bạn sẽ nói khi lên báo cáo và học thuộc nó.

Cách mở đầu bài thuyết trình ấn tượng: Lời mở đầu/giới thiệu đề tài

Ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Lời mở đầu không hay sẽ làm người nghe sao nhãng hoặc nguy hiểm hơn là mất kiên nhẫn (bạn đang báo cáo trước Hội đồng phản biện). Mở đầu không suôn sẻ cũng làm cho bạn mất trấn tĩnh và tập trung.

Hệ quả là bạn sẽ mất tự tin nên chăm chăm nhìn vào slide đọc từ đầu tới đuôi để cho mau qua bài thuyết trình. Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp như thế, mất điểm trầm trọng.

Lưu ý: Mở đầu bài thuyết trình, tâm lý của bạn thường hồi hộp (ai cũng thế, ngay cả bản thân tôi). Lúc này nên nhìn về bên dưới, tìm kiếm một vài ánh mắt và nụ cười cổ vũ của các bạn cùng lớp để lấy tinh thần, tiếp tục bài nói.

Việc đầu tiên của bạn trong phần giới thiệu là thu hút sự tập trung và quan tâm của người nghe. Bạn có thể làm điều này bằng cách đưa ra một câu hỏi, kể một vấn đề/câu chuyện, tuyên bố đáng chú ý hay một câu trích dẫn.

Trong quá trình thu hút sự chú ý, hãy chắc chắn nêu chủ đề đề tài. Sau đó bạn có thể nói tiếp phần tóm tắt nghiên cứu và bối cảnh nghiên cứu như đã thiết kế dàn ý.

Nói nội dung chính của đề tài

Nghệ thuật chuyển tông

Chuyển tông ở đây là bạn chuyển từ phần này sang phần khác hay slide này sang slide khác. Lúc này bạn dùng từ ngữ để cho người nghe biết được rằng bạn đang chuyển sang một slide/ý khác hoặc nhấn mạnh một điểm nào đó. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn có đưa một số tình huống mà bạn có thể tham khảo:

  • Thêm thông tin có cùng ý nghĩa thông tin diễn giả mới nói xong, có thể dùng những chữ sau đây: Hơn nữa, thêm nữa, thêm nữa, thêm, thêm vào, thêm vào, tương tự, đầu tiên, thứ hai, thứ ba, cuối cùng, v.v...
  • Cho ví dụ: Ví dụ như, đặc biệt, hãy để tôi đưa cho bạn một ví dụ cụ thể, chúng ta hãy nhìn vào một ví dụ từ một trong những … của chúng tôi, v.v…
  • Nhấn mạnh hay giải thích thêm những gì đã nói: Một lần nữa, ngắn gọn, nói cách khác, trong ngắn hạn, điều này có nghĩa, v.v…
  • Nhấn mạnh kết luận như là một hệ quả của lí luận trước đó: vì thế, nên, do đó, kết quả, do đó, cho phù hợp, v.v…
  • Tóm lược những điểm đã trình bày: Trong tóm tắt, để tóm tắt, để kết luận, để kết luận, trong ngắn hạn, v.v…

Một cách chuyển tông khác cũng khá hữu hiệu là tự đặt câu hỏi rồi… tự trả lời. Phương pháp này giúp duy trì sự tập trung, chú ý của người nghe.

Cách nói về biểu đồ, bảng số liệu

Các biểu đồ phổ biến mà bạn có thể dùng là biểu đồ dây, biểu đồ tròn, biểu đồ cột, biểu đồ tán xạ,…

Nhìn chung khi bạn chiếu các biểu đồ hay bảng số liệu lên slide, bạn cần giới thiệu nó trình bày dữ liệu về điều gì, các ký hiệu và đơn vị tính trên biểu đồ, bảng số liệu. Trình tự bạn có thể tham khảo như sau:

  • Giới thiệu hình này là gì,
  • Mô tả những vị trí cần chú ý,
  • Tiếp theo mô tả nội dung là gì…

Một biểu đồ như thế bạn có thể dành ra 1 phút để trình bày.

Tốt nhất bạn có thể dùng Pointer (bút chiếu) để chỉ vào những điểm quan trọng của biểu đồ khi nói. Chú ý không quơ Pointer loạn xạ. Nếu không bạn có thể cầm trên tay một cây bút và bước lên bục giảng để chỉ vào ảnh trên màn chiếu.

Đến đây tạm được rồi nhỉ, chúng ta qua phần kết thúc bài thuyết trình.

Cách kết thúc bài thuyết trình/báo cáo khoá luận

Việc mở đầu thì cần phải hay, nhưng biết cách kết thúc là cả một nghệ thuật (Longfellow)

Trong nhiều trường hợp, diễn giả đã làm hỏng bài nói bằng một kết thúc nhàm chán. Nhớ rằng lời kết thúc là dịp cuối cùng để hướng về các ý kiến của bạn. Hơn nữa, ấn tượng sau cùng của bạn có lẽ sẽ được ghi dấu trong đầu người nghe.

Bất kể đề tài tốt nghiệp của bạn là gì, phần kết của phải thực hiện được hai chức năng chính:

  • Cho Hội đồng phản biện/người nghe biết bạn sắp kết thúc bài nói.
  • Củng cố sự hiểu biết của người nghe về ý chủ đạo của bạn, tức kết quả nghiên cứu của đề tài (thường là câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu).

Vậy, làm thế nào để báo hiệu kết thúc bài nói và củng cố ý chủ đạo?

Hiển nhiên qua các buổi thuyết trình tiểu luận môn học trong lớp, bạn đã thấy người nói kết thúc bài thuyết trình rất đột ngột đến nỗi bạn và giảng viên phải ngạc nhiên. Để lại cho người nghe một cảm giác bối rối và không thoả mãn.

Để tránh điều đó, bạn có thể sử dụng một số từ ngữ như:

  • Để kết luận/ kết thúc…
  • Một ý kiến sau cùng…
  • Mục đích của tôi/em là….
  • Cho phép tôi/em kết thúc bằng câu nói/trích dẫn….

Lúc này, bạn phải củng cố ý chủ đạo/tóm tắt bài nói trong phần (…)

Trên đây, tôi đã hướng dẫn các bạn cách tổ chức bài thuyết trình và cách nói sao cho hiệu quả khi đứng trước Hội đồng phản biện. Và đừng quên những nhắc nhở tôi đã đề cập trong bài trước: các sai lầm cần tránh khi báo cáo khoá luận.

Sau cùng, ở bài viết tiếp theo của series tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách thiết kế slide PowerPoint với những nguyên tắc bất thành văn cần chú ý, mời đón xem.

Kiên Huỳnh

4.5 / 5 ( 11 bình chọn )

Share this:

  • Click to print (Opens in new window)
  • Click to email this to a friend (Opens in new window)
  • Click to share on Facebook (Opens in new window)
  • Click to share on Twitter (Opens in new window)
  • Click to share on LinkedIn (Opens in new window)

Related

Thuộc chủ đề:Tôi Học Kế Toán Tag với:Kinh nghiệm bảo vệ khoá luận tốt nghiệp ngành kế toán

Nói về Kiên Huỳnh

- Giảng viên "Kế toán - Tài chính" tại đại học Tây Đô (TDU);
- Kế toán trưởng tại Trung tâm Thương Mại Sense City Cần Thơ và Cty Tư Vấn Nhật Hướng;
- Tác giả tại Blog Kế Toán Nhật Hướng, ToiDauTu.com & KienHuynh.com
Follow me: Blog / Facebook

guest
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

2 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được nhiều đánh giá
Inline Feedbacks
View all comments
trackback
[Khoá luận Kế toán] #3: Kỹ năng thiết kế PowerPoint | Blog Kế toán Nhật Hướng
3 years ago

[…] Xem lại Kỳ 2:  Lập dàn ý, cách nói khi đứng trước Hội đồng phản biện  […]

0
Reply
trackback
[khoá luận Kế toán] #1: Các sai lầm thường gặp khi bảo vệ khoá luận tốt nghiệp | Blog Kế toán Nhật Hướng
3 years ago

[…] Kỳ tới: #2 – Tổ chức bài thuyết trình, cách nói khi đứng trước Hội đồng p… […]

1
Reply

Sidebar chính

Bạn nên xem

  • Tra cứu văn bản
  • Thành lập công ty – Cần lưu ý
  • Thuê ngoài quy trình kinh doanh
  • Mới nhất
  • Nổi bật
  • Chuyên mục
Mới nhất
Nổi bật
Chuyên mục

Footer

  • Blog
  • Học Kế toán Thuế thực tế
  • Về Kế Toán Nhật Hướng

Copyright © 2021 · Kế Toán Nhật Hướng · Designed by Kien Huynh ·

wpDiscuz
loading Cancel
Post was not sent - check your email addresses!
Email check failed, please try again
Sorry, your blog cannot share posts by email.